Công dụng Cây Đinh Lăng Lá Nhỏ
Cây Đinh Lăng là dạng cây cảnh được khá nhiều người ưa chuộng trồng nội ngoại thất đẹp. Cây có rất nhiều tác dụng ngoài việc làm cây cảnh trồng trong nhà, sân vườn, quán cà phê,…hay các công trình, trước hiên công ty, trụ sở hành chính văn phòng…cây còn có thể chữa các loại bệnh từ lá, thân và rễ của cây. Cây đinh lăng còn tạo dáng bonsai để làm cảnh hay quà tặng rất đẹp. Chính vì thế đinh lăng phổ biến ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị như loại cây quý, mang lại nhiều giá trị hữu ích cho con người.
Đặc điểm cơ bản Cây Đinh Lăng Lá Nhỏ
Đinh lăng là cây bụi nhỏ, cao khoảng 1-2m.
Thân cây đinh lăng lá nhỏ nhẵn và ít phân nhánh, không có gai. Lá kép 3 lần lông chim dài 20-40cm, không có lá kèm, mép có răng cưa không đều, chóp nhọn, lá có mùi thơm.
Cụm hoa hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ, tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhạt.
Quả dẹt 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.
Đặc điểm sinh thái Cây Đinh Lăng Lá Nhỏ
Đinh lăng là cây thường xanh sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng có khả năng chịu hạn, chịu bóng, nhưng cây không chịu được môi trường úng ngập.
Cây có biên độ sinh thái rộng, phân bố trên khắp các vùng sinh thái, có thể phát triển trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là đất pha cát. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 25oC.
Cây đinh lăng được trồng trong chậu làm cây cảnh nội thất trong nhà, trồng làm cảnh trước cửa nhà hoặc chùa, miếu.
Kỹ thuật chăm sóc và cách trồng Cây Đinh Lăng Lá Nhỏ
Chuẩn bị đất trồng:
– Đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng nhưng cũng chịu hạn, chịu bóng nhưng không chịu úng ngập. Cây có thể trồng được ở nhiều chân đất nhưng tốt nhất là trên đất pha cát, tơi xốp, thoát nước tốt. Việc chuẩn bị đất cần tiến hành trước thời điểm xuống giống khoảng 15 – 30 ngày để đất ổn định, hệ vi sinh phát triển cân bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho cây con phát triển.
– Sau khi cày bừa cho đất tơi tiến hành trồng theo băng rộng khoảng 2,5 – 3,5 m, mỗi băng trồng 4 – 6 hàng đơn, hàng cách hàng 50cm, luống cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 20 – 25 cm. Trồng một hàng đơn ở giữa luống sao cho cây x cây 45 -50 cm, đảm bảo mật độ khoảng xung quanh 1000 cây/sào (360 m2).
– Xung quanh luống nên đào rãnh sâu để để chủ động cho việc tiêu thoát nước tránh được ngập úng khiến cây bị chết hoặc sinh trưởng chậm.
– Cây Đinh lăng là cây chịu bóng nên để cây sinh trưởng tốt, mùa đông ít bị ảnh hưởng của sương muối, giá rét có thể trồng xen với các loại cây ăn quả, cây bóng mát có tán rộng; hoặc che lưới đen cao để thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc.
– Ngoài ra có thể lên luống trồng thành từng hố lớn với đường kính 1m sâu 40cm, có lót nilon, trồng 3 cây 1 hố theo hình tam giác cân, cây cách cây 30-40cm. Có thể bố trí các hố theo hình dáng tùy thích để kết hợp vừa thu dược liệu vừa làm cảnh.
b. Phân bón
Phân bón lót (Lượng phân bón cho 1 sào): 4 – 5 tạ phân chuồng hoai mục + 20 – 30 kg lân supe. Bón lót trước khi trồng. Phân lót cần được bón xung quanh bầu. Tuyệt đối không bỏ phân sát bầu hoặc đặt bầu trực tiếp lên phân.
c. Kỹ thuật trồng cây ra ruộng:
– Đặt cây vào chính giữa luống đất hoặc chính giữa hố trồng miệng bầu ngang với mặt đất xung quanh, lấp đất đồng thời nén nhẹ xung quanh, vun cao ở gốc để tránh đọng nước. Sau trồng nên phủ rơm rạ hoặc bèo tây lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp hoặc che phủ nilon mặt luống để hạn chế cỏ dại.
– Khi trồng cần nhẹ nhàng dùng dao cắt lớp nilon bầu, tránh để cây bị đứt rễ. Nên trồng bầu cây chếch 45 độ so với mặt luống nghiêng theo chiều luống sẽ giúp tăng số lượng củ.